Trẻ sinh non thiếu tháng – Chăm sóc và dinh dưỡng cho bé

Trẻ sinh non là những trẻ được sinh ra khi chưa được 37 tuần tuổi thai, thường có cân nặng dưới 2500g. Trẻ có tuổi thai càng nhỏ thì nguy cơ biến chứng nguy hiểm càng cao. Do đó, cha mẹ cần có kiến thức về việc chăm sóc và dinh dưỡng cho trẻ sinh non tại nhà.

1. Dinh dưỡng cho trẻ sinh non tại nhà thế nào?

Sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sơ sinh thiếu tháng, vì sữa mẹ dễ tiêu hóa và hấp thu. Khi bú sữa mẹ, trẻ sẽ ít gặp phải các vấn đề như trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ, dị ứng sữa… Ngoài ra sữa mẹ còn cung cấp đầy đủ các yếu tố về miễn dịch cho trẻ để chống chọi với bệnh nhiễm khuẩn… Do vậy, mẹ cần cho trẻ bú sữa mẹ ngày từ đầu.

Lượng sữa cần thiết cho trẻ sinh non là:

  • Ngày thứ nhất 60 ml/kg/ngày
  • Ngày thứ hai 90 ml/kg/ngày
  • Ngày thứ ba 120 ml/kg/ngày
  • Ngày thứ tư 150 ml/kg/ngày

Ngoài ra, các mẹ nhớ chia số lần bú cho trẻ sơ sinh làm 8-12 lần/ngày. Nếu trẻ không bú được thì phải đổ thìa hay bằng ống thông dạ dày, trẻ dưới 32 tuần cần cho ăn bằng ống thông. Nếu trẻ bú được thì cho bú nhiều lần trong ngày theo nhu cầu của trẻ.

Trong những ngày đầu, với trẻ sơ sinh trọng lượng dưới 1500g, lượng ăn ít thì có thể truyền thêm Glucozơ 5-10% 80-100 ml/kg. Tuy nhiên, mẹ cũng cần chú ý là cơ miệng của trẻ sinh thiếu tháng khá yếu, nên đôi khi không đủ sức để hút sữa. Khi đó, người mẹ phải kiên nhẫn, không nản lòng. Khi con bỏ bú, không có nghĩa là con không muốn bú nữa hay đã no bụng – mà nguyên nhân chính là con không có sức để bú. Các bà mẹ cần hiểu được điều đó để có cách dỗ dành thích hợp.

Ngoài ra, có thể tham khảo sử dụng thuốc bổ sung cho trẻ sinh non như sau:

  • Vitamin K1-2mg/ngày tiêm bắp hoặc uống 1 mg/tuần cho đến khi trẻ đủ 40 tuần tuổi thai hiệu chỉnh
  • Vitamin C50mg/ngày x 1 tháng
  • Vitamin B11mg/ngày x 1 tháng
  • Vitamin D800 đv/ngày từ khi trẻ ăn qua đường miệng
  • Vitamin E20mg/kg/ngày, từ tuần thứ 2×3-4 tuần
  • Sắt Sulfat 2mg/ngày từ tuần 4-6
  • Axit folic50 microgam/ngày.

Tuy nhiên, những loại thuốc này chỉ được dùng cho trẻ sơ sinh thiếu tháng khi được bác sĩ cho phép. Nhu cầu của mỗi trẻ là khác nhau, do đó lượng dinh dưỡng trên cũng có thể thay đổi.

2. Chăm sóc cho trẻ sinh non tại nhà

Bên cạnh việc cho trẻ bú sữa mẹ đều đặn trong ngày, theo dõi xem nếu khỏe, trẻ tiểu ít nhất từ 6 – 10 lần mỗi ngày, trẻ lên cân đều, nước tiểu trong.

2.1 Cẩn thận trẻ bị trào ngược dạ dày

Bên cạnh đó, trẻ non tháng dễ bị trớ hoặc trào ngược dạ dày. Nôn trớ khi có 1 ít sữa trào ra ở khóe miệng sau mỗi lần bú, đây là hiện tượng bình thường, có thể bế đầu trẻ cao khi bú để hạn chế tình trạng này.

Còn trào ngược dạ dày thực quản là khi trẻ bị nôn ọc nhiều lần trong ngày, đây là hiện tượng bệnh lý cha mẹ cần lưu ý. Trào ngược dạ dày thực quản có thể khiến trẻ chậm lên cân hoặc không tăng cân, dễ bị viêm phổi tái diễn, quấy khóc vặn mình thường xuyên về đêm. Nếu trẻ bị trào ngược dạ dày, cha mẹ cần đưa trẻ tới bác sĩ nhi khoa theo dõi và điều trị tích cực.

Trong trường hợp mẹ không có sữa hoặc ít sữa, phải cho trẻ dùng sữa ngoài thì cần xem trẻ có bị dị ứng sữa không, có bị rối loạn tiêu chảy không… Việc dùng sữa cũng cần theo hướng dẫn của bác sĩ nhi khoa để phù hợp với lứa tuổi.

Cẩn thận trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày

2.2 Vệ sinh trong chăm sóc trẻ

Cha mẹ và người chăm sóc cần lưu ý, rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn trước khi chăm sóc trẻ. Những người bị bệnh đường hô hấp hoặc cúm không tiếp xúc và chăm sóc trẻ, không hút thuốc lá gần trẻ.

Cần thay quần, áo cho trẻ mỗi ngày, khi quần áo hay khăn tã ướt thì phải thay ngay. Tắm cho trẻ mỗi ngày với nước đun sôi để đủ ấm khoảng 37 độ, tránh gió lùa khi đang tắm…

2.3 Tiêm chủng phòng bệnh

Mũi tiêm phòng đầu tiên cho trẻ là lao và viêm gan siêu vi B, ở trẻ non tháng có cân nặng > 2.000g sẽ được tiêm phòng ngay khi xuất viện hoặc lúc bắt đầu 2 tháng tuổi. Còn trẻ cân nặng nhỏ hơn 2.000g sẽ được tiêm phòng lúc 2 tháng tuổi.

Ngoài ra, còn những vấn đề khác về sức khỏe của trẻ cần được theo dõi và khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ nhi khoa hoặc sơ sinh…

3. Dấu hiệu nguy hiểm cần đưa trẻ đi cơ sở y tế khám

Nếu trẻ sinh non có những dấu hiệu nguy hiểm sau, cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế khám càng sớm càng tốt:

  • Vàng da nhiều tăng nhanh
  • Ngủ nhiều khó thức dậy
  • Trẻ bú kém, khó thở, quanh môi, mắt hoặc miệng bị xanh tái.
  • Sốt hoặc hạ thân nhiệt,
  • Không tiểu > 12 giờ, không đại tiện > 4 ngày hoặc tiêu phân đen, có máu…

Như vậy, khi chăm sóc và dinh dưỡng cho trẻ sinh non tại nhà, cha mẹ cần lưu ý nhiều hơn, bởi cơ thể trẻ còn rất yếu, các cơ quan chưa hoàn thiện hết, rất dễ có nguy cơ bệnh tật và biến chứng. Chế độ chăm sóc đặc biệt cho trẻ sinh non sẽ giúp trẻ thích nghi và phát triển tốt như trẻ sinh đủ tháng bình thường.

Tìm cửa hàng
Gọi trực tiếp
Messenger
Chat trên Zalo